Đại đức Thích Thiện Thuận là một nhà sư Phật giáo nổi tiếng được nhiều phật tử biết đến. Những bài giảng của thầy vô cùng ý nghĩa, lời giảng gần gũi dễ đi vào long người, càng nghe càng thấm và làm cho con người cảm thấy tinh tấn hơn. Đặc biệt là những lúc rơi vào bế tắc, nghe thuyết giảng của thầy sẽ phần nào giúp ta giác ngộ, mạnh mẽ và cố gắng sống tốt hơn.
Tiểu sử Thầy Thích Thiện Thuận
Đại Đức Thích Thiện Thuận hiện đang là trụ trì của Viện Chuyên Tu, thầy được phật tử cả nước yêu mến và kính trọng từ những bài giảng về Phật Pháp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, đọng lại trong lòng người nghe. Đặc biệt là bài giảng “Bóng Mây” được thầy giảng trong khóa tu mùa hè năm 2017 tại chùa Hoằng Pháp. Nhờ đó thầy được nhiều phật tử gọi bằng cái biệt danh đầy dí dỏm “Thầy Bóng Mây”. Hãy thử nghe bài giảng “Bóng Mây” nói về người mẹ rất nổi tiếng của Thầy ít nhất một lần trong đời nhé.
Trong thời gian tu hành, Thầy đã đi rất nhiều vùng đất nước để truyền bá đạo Phật cũng như giáo lý, các điều hay lẽ phải, khuyên chúng sanh hướng thiện giúp mọi người nhận ra giá trị của cuộc sống và hướng thiện tâm tánh mang đến niềm an vui hạnh phúc… Với vẻ ngoài phúc hậu, nụ cười hiền từ và ấm áp, Thầy đã sưởi ấm nhiều trái tim đau đớn phiền muộn trong cuộc sống, giúp chúng sinh đoạn ác tu thiện.
Vì sao Thầy Thích Thiện Thuận lại theo đạo Phật?
Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lý do khiến Thầy Thích Thiện Thuận đi theo đạo Phật nhé. Những thông tin này được Thầy chia sẻ trong bài thuyết pháp “Vì sao tôi theo đạo Phật” tại chùa Thiền Tôn 2, Cát Lái, Quận 2, TP.HCM.
Theo như Thầy đã chia sẻ: Mỗi người đều có một quan điểm riêng về cuộc sống và họ được quyền chọn một tôn giáo khác nhau dựa trên quan điểm riêng của mình. Nhưng dù ở bất cứ tôn giáo nào thì đó phải là tôn giáo có thể hóa giải những đau khổ của con người, là con đường chân lý đúng đắn cho con người đi và mục đích phục vụ vì con người.
Chắc chắn những người không theo bất cứ tôn giáo thì họ vẫn sống tốt, nhưng thật ra tư tưởng và tâm lý của người đó với người có điểm dựa tâm linh sẽ rất khác nhau. Một người có tín ngưỡng, họ hướng về một tôn giáo bằng niềm tin chơn chánh sẽ luôn cảm thấy đắn đo khi làm điều trái với luân lí, họ dễ dàng vượt qua những cú sốc và ổn định nhanh hơn so với người không theo tôn giáo. Quan trọng hơn đó chính là giá trị đích thực trong cuộc sống giả tạm này con người chỉ có thể tìm được ở Tôn Giáo.
Chúng ta theo đạo Phật không phải vì mong muốn được quỳ bên tòa sen, được sặc hào quang của Nhà Phật mà chính là con đường giúp chúng ta sống với giá trị đích thực của mình trong cõi tạm hiện tại, chấp nhận và sống thật với những nghiệp chướng xung quanh.
Ngoài ra, chúng ta theo đạo Phật cũng bởi một lẽ đơn giản là để tự mình vươn lên cải thiện những khổ đau trong cuộc sống, xây dựng hạnh phúc bằng chính sức mạnh lý trí của mình ngay giữa cuộc đời khổ tâm này qua con đường trung đạo của Phật Giáo.
Giới thiệu về Viện Chuyên Tu
Đường đi đến Viện Chuyên Tu
Hiện nay, Viện Chuyên Tu do thầy Thích Thiện Thuận trụ trì có hai cơ sở ở Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai. Sau đây là hướng dẫn chi tiết đường đi tới từng cơ sở.
Viện Chuyên Tu 1
Ðịa chỉ: Làng Vạn Hạnh, Thị Trấn Phú Mỹ, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Có rất nhiều phương tiện để đến được Viện Chuyên Tu 1: xe hơi, xe máy, xe khách hay xe buýt… Tùy các bạn đi phương tiện nào thì xem hướng dẫn dưới đây nhé!
Phương tiện xe hơi, xe máy
Từ Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu theo hướng quốc lộ 51, bạn đi qua khỏi Đại Tòng Lâm, chợ Tân Thành, Khu công nghiệp Phú Mỹ là đến đài liệt sĩ Tân Thành (thuộc Thị Trấn Phú Mỹ, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) bên tay phải. Nhìn sang hướng bên kia đường là Tu Viện Vạn Hạnh, kế bên có con đường nhựa nhỏ dẫn vô Làng Vạn Hạnh, đầu đường có bảng chỉ Chùa Niết Bàn. Bạn chạy hết con lươn rồi quanh lại chạy vào con đường đó, đi khoảng 1km thì Viện Chuyên Tu nằm bên tay trái.
Nếu đi từ Vũng Tàu thì đài liệt sĩ Tân Thành quẹo phải vô con hẻm nhỏ đối diện, đi thêm 1km là tới Viện Chuyên Tu Vạn Hạnh.
Phương tiện xe khách
Nếu bạn di chuyển bằng xe khách thì có thể đón xe Phương Trang đi Vũng Tàu ở Bến xe Miền Đông hoặc Bến xe Miền Tây… Mua vé và nói tài xế cho xuống ở Bến Tân Thành, tại đây có xe trung chuyển đưa bạn vào tận Viện Chuyên Tu.
Phương tiện xe buýt
Nếu bạn di chuyển bằng xe buýt từ Hồ Chí Minh thì đón xe số 150 đi đến Tân Vạn rồi lên xe số 11 đến Bến Tân Thành. Xuống xe bắt xe ôm vào chùa.
Viện Chuyên Tu 2
Địa chỉ: Ấp Bình Lâm, Xã Lộc An, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai.
Cũng có nhiều phương tiện để bạn đến được Viện Chuyên Tu 2: xe hơi, xe máy, xe khách hay xe buýt…
Phương tiện xe hơi, xe máy
Từ Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu theo hướng quốc lộ 51 đến chợ Long Thành thì rẽ trái tại ngã tư Lộc An. Đi thẳng thêm 2km thì nhìn bên tay trái có bảng chỉ dẫn vào Viện Chuyên Tu, bạn đi theo chỉ dẫn là đến Viện Chuyên Tu 2.
Nếu đi từ Vũng Tàu theo hướng về Hồ Chí Minh thì qua khỏi cổng Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch chạy thẳng đến vòng xoay cao tốc, đến ngã tư Lộc An thì quẹo vào. Đi thêm 2km bạn sẽ thấy bảng hiệu Viện Chuyên Tu màu xanh bên tay trái.
Phương tiện xe khách
Nếu đi xe khách thì bạn bắt xe Phương Trang, Hoa Mai từ Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu và xin xuống xe ở ngã tư Lộc An (Đồng Nai) rồi đi taxi hoặc xe ôm vào chùa.
Phương tiện xe buýt
Bạn đón xe buýt số 150 đến Ngã tư Vũng Tàu hoặc Tân Vạn. Sau đó đón xe buýt số 11 và xuống xe ở Ngã tư Lộc An rồi đi xe ôm hoặc taxi vào chùa.
Thăm Viện Chuyên Tu ở Bà Rịa Vũng Tàu
Bà Rịa Vũng Tàu vốn là nơi ấn phong linh, phong thủy tốt, rất thích hợp để xây dựng chùa chiền. Chính vì thế mà chúng ta bắt gặp rất nhiều chùa và tu viện ở vùng đất này. Cùng với Thiện Tôn Phật Quang thì Viện Chuyên Tu Vạn Hạnh của thầy Thích Thiện Thuận cũng là nơi thu hút rất đông Phật tử bốn phương tụ về, đặc biệt là vào các ngày lễ: rằm Tháng Giêng, Phật Đản, Vu Lan… Vào thời gian này, các khóa tu cũng được mở ra rất nhiều để phục vụ cho quý du khách và Phật tử.
Viện Chuyên Tu tọa lạc tại Làng Vạn Hạnh đã được xây dựng từ khá lâu, khi mà vùng đất này chỉ là những vườn cây dại um tùm. Mọi thứ đều do các vị Tu sĩ và Phật tử chung tay góp sức dựng lên, sau này khi có kinh phí thì chùa được trùng tu và xây dựng hoành tráng hơn, có chỗ lưu trú và sinh hoạt cho các Phật tử. Đến đây bạn sẽ cảm nhận được một không khí an lành đến khó tả, không còn thế giới ồn ào và xô bồ ngoài kia, khung cảnh yên bình đến nỗi bạn có thể nghe được tiếng rì rào của cây lá. Trời ở đây dường như cao hơn, hoa nở tươi hơn, chim ríu rít hơn… Đúng là nơi lý tưởng để con người xóa nhòa đi hết những muộn phiền, lo âu trong cuộc sống đời thường.
Thầy Thích Thiện Thuận thuyết giảng về Luật Nhân Quả
Luật Nhân Quả là gì?
Thầy Thích Thiện Thuận mở đầu: “Thầy trân thành gửi lời cảm ơn đến các vị trong đạo tràng đã phát tâm tu tập, mặc dù các vị tu tập thì được giải thoát nhưng khi các vị tu tập có thoát ra được các phiền não, ràng buộc do tham chấp… dối lừa do chính mình tạo ra, thì thầy lại có thêm các hành giải đồng hành cùng với mình, như thế mình sẽ được an lạc hơn.”
Cuộc sống vốn bị chi phối bởi những nghiệp chướng mình tạo ra trong vô lượng kiếp, đó là lý do khiến hôm nay ta muốn điều gì nó cũng không thành tựu, ta mong điều gì nó cũng không thuận theo ý mình và cứ thế chúng ta trải qua những chuỗi ngày đau thương, buồn khổ. Cuộc sống vốn là những chuỗi dài nhân quả. Nhân được ví như hạt giống, bạn không thể gieo lúa mà muốn nó lên lên cho quả bắp được. Gieo nhân nào sẽ gặp Quả nấy, những gì chúng ta gặt hôm nay chính là những gì chúng ta đã gieo ở quá khứ. Bạn xứng đáng với mọi thứ xảy ra với bạn, dù đó là xấu hay tốt. Bạn là người xây dựng số phận cho chính mình, đau khổ hay hạnh phúc là do bạn.
Cách tiêu giải nghiệp chướng, thoát khỏi ai oán
Chúng ta đang đi trên chính con đường mà mình tạo ra, nếu hiểu rõ Luật Nhân Quả thì ta sẽ dễ dàng thoát khỏa quan điểm về định mệnh dẫn dắt chúng ta đi trên một lối mòn đau khổ. Từ đó, chúng ta phải có ý thức trách nhiệm đối với bản thân mình, với những bất hạnh mà ta đang gánh chịu và hoàn toàn không ỷ lại vào một đấng thần linh nào đó chìa tay ra cứu vớt cuộc đời mình. Chính chúng ta phải dũng cảm đương đầu để chuyển hóa nó, không đổ lỗi cho bất kỳ ai và cũng không cầu xin ai hết.
Đức Phật dạy chúng ta tu tập một cách thật đơn giản, chỉ qua 4 câu sau: “Nguyện đoạn nhất thiết ác. Nguyện tu nhất thiết thiện. Nguyện độ nhất thiết chúng sanh. Trì thanh tịnh thân tâm”
Thầy Thích Thiện Thuận thuyết giảng về Học Cách Tha Thứ và Bao Dung
Giá trị của Sự Tha Thứ và Bao Dung
Cuộc sống ban tặng cho bạn thật nhiều điều, những thứ quan trọng nhất lại thường là miễn phí: không khí, sinh mệnh và tri kỉ. Tri kỉ là một người thấu hiểu, biết rõ mình thích gì, muốn gì, mang đến sự bình yên mỗi lúc ở bên nhau. Mình hiểu một ai đó cần cái gì thì mình cũng hiểu được mình đang cần điều gì. Người hiểu mình không bao giờ làm mình đau khổ, cũng giống như mình hiểu người đó.
Giá trị của sự hiểu biết này đủ lớn cho lòng chúng ta trải dài ra. Khi tâm của chúng ta có được cái sức bao dung thì chúng ta sẽ có thể bằng lòng được một số điều chúng ta cho là chưa được, chúng ta chấp nhận được một số lỗi người ta lên án nhưng chúng ta có cách cư xử dưới ánh sáng tuệ giác. Không manh động, không vồn vã, không gây áp lực và không dồn ép người ta đến đường cùng. Chính điều đó mở ra một cánh cửa bình an cho chính mình và người khác, cánh của đó là cánh cửa bao dung. Đây là một nghệ thuật sống! Hay nói cách khác chúng ta đang ứng dụng lời dạy của Đức Phật trên nền tảng Hỷ Xả Từ Bi.
Hãy học cách Tha Thứ và Bao Dung
Hãy học cách khoan dung, bởi tình yêu bao giờ cũng vĩ đại hơn thù hận, khoan dung giúp chúng ta kiểm soát được bản thân, để không bao giờ phải hối tiếc vì hành động trong lúc nóng giận, không vui.
Tha thứ không phải là ban phát ơn huệ cho người khác mà là tự cởi trói cho chính bản thân mình.
Tha thứ, khoan dung không khó. Cái chính là bạn không thể cởi bỏ được sự oán hận trong lòng mình.
Như Thầy Thích Thiện Thuận đã nói: Cái gốc của sự tha thứ và bao dung là tâm từ bi, lương thiện. Để có thể dễ dàng tha thứ cho người khác hơn, phải chăng bạn nên nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng nhân hậu, lương thiện?
Thầy Thích Thiện Thuận thuyết giảng về Làm Gì Để Thay Đổi Vận Mệnh
Ai làm chủ vận mệnh chúng ta?
Đức Phật dạy rằng: “Chúng ta là kẻ thừa hưởng của những hành động chúng ta đã gây ra. Việc làm của mỗi chúng ta là gia tài và di sản của chính chúng ta”. Vận mệnh là do chúng ta tự tạo, chứ hoàn toàn không có bất cứ vị thần linh nào can thiệp vào số mệnh của bất cứ một ạ ngoại trừ bản thân họ. Ta thường thấy rõ một vài lầm lỗi ta phạm phải hôm qua là nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh hay đau ốm mà ta phải chịu đựng ngày hôm nay.
Trong đời của mỗi một con người chúng ta, việc đáng quan tâm nhất, hẳn là chính mình; mà trong vấn đề chính mình, quan trọng hơn cả chính là vận mệnh, số phận hay số kiếp. Về cách nhìn vận mệnh, có người cảm thấy rằng bất cứ việc gì của mình cũng không bằng người ta, vận mệnh lận đận éo le, liền giận trời trách người; có người thì tin rằng tất cả họa phước giàu nghèo đều là do sự sắp đặt của số phận, vì vậy khi gặp phải những khó khăn thì chỉ biết cam chịu số phận; có người thì lại bằng lòng với số phận, vì thế họ không còn lo sợ gì cả, đối với những khó khăn khốn đốn trong cuộc sống, thì lại an bần thủ tiết.
Làm gì để thay đổi vận mệnh?
Hẳn là ai cũng cũng muốn thoát khỏi vận mệnh lận đận éo le của đời mình?!! Nhưng ngay cả khi họ thoát được rồi thì chắc gì họ đã hài lòng và an lạc với điều thuận mình vừa có được?
Với góc nhìn của Đạo Phật, để thay đổi được bạn mệnh, chúng ta nên hoan hỉ đón nhận mọi điều đang đến với mình một cách thành thật nhất và luôn tác ý làm việc thiện nhằm mang đến lợi ích cho nhiều người. Bên cạnh đó, chúng ta phải biết lay Phật với tất cả lòng tôn kính, thành tâm sám hối nghiệp chướng và học hiểu Đạo lý, tinh tấn thực hành những lời chỉ dạy của Đức Phật để chuyển hóa ác nghiệp.