Thượng tọa Thích Chánh Định là một nhà sư khá nổi tiếng, được biết tới thông qua nhiều bài giảng pháp hay. Hiện thầy đang trụ trì tại chùa Tam Phước (Đồng Nai). Dưới đây là bài tổng hợp của chúng tôi về tiểu sử thầy Thích Chánh Định để quý độc giả quan tâm tìm hiểu!
Tiểu sử Thầy Thích Chánh Định là ai?
Theo cuốn “Nhân vật Phật giáo Việt Nam” – Nhà xuất bản Tôn giáo, Thượng tọa, giảng sư Thích Chánh Định sinh năm 1971 tại Hà Nam.
Ngày 15/10/1981, thầy Chánh Định khi ấy mới tròn 10 tuổi chính thức xuất gia đi tu, được dìu dắt bởi Hòa thượng luận sư Tịnh Sự. Thầy xuất gia theo học hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam, lấy pháp danh là Sammà sàmadhi. Năm 1990, thầy sư Thích Chánh Định thọ đại giới.
Năm 1997, thầy Thích Chánh Định tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam khóa III tại Thành phố Hồ Chính Minh. Năm 1999 thầy tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Ấn Độ.
Hiện nay, thầy Thích Chánh Định là giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Phó ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai và là trụ trì tại ngôi chùa Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ngôi chùa Tam Phước nơi thầy Thích Chánh Định làm trụ trì
Chùa Tam Phước nơi thầy Chánh Định làm trụ trì có địa chỉ tại 247, QL 51, xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong số những ngôi chùa nổi tiếng nơi đây, được xây dựng trên vùng đất có phong cảnh thiên nhiên đẹp, có vườn cây trái xanh tươi trù phú.
Theo thông tin ghi lại từ Trung tâm hộ tông các chùa nguyên thủy tại tỉnh Đồng Nai, khoảng thập niên 90, trước khi có chùa Tam Phước như hiện tại, ban đầu nơi đây là một ngôi chánh điện bằng vật liệu thô sơ và một am cốc dùng để tu tập. Chính Thượng tọa Bửu Chánh là người giới thiệu thầy Chánh Định tới đây để tu tập. Hai năm trời tu tập nơi đây, dù điều kiện sống đơn giản và có phần thiếu thốn nhưng thầy Chánh Định vẫn duy trì được các nghi lễ và phương châm tu tập thuần túy theo Phật giáo nguyên thủy. Theo đó, trong thời gian này thầy đã tổ chức lễ Kathina tươm tất, thu hút đông đảo Chư Tăng và Phật tử gần xa tới tham dự.
Tới năm 1992, khi điều kiện đã cho phép, thầy Chánh Định quyết định tiểu trùng tu chánh điện cho khang trang, kiên cố hơn. Mái điện được thay thế từ vật liệu thô sơ sang lợp mái tôn chắc chắn, xung quanh cảnh trí cũng được tôn tạo gọn gàng hơn.
Năm 1996, nhờ có Phật tử gần xa ủng hộ Tam Bảo, sư Thích Chánh Định tiến hành thi công chánh điện một lần nữa. Quá trình thi công kéo dài trong hơn 6 tháng, chánh điện của chùa Tam phước khang trang, rộng rãi, kiên cố hơn với vật liệu xây dựng bằng xi măng cốt sắt, tạo điều kiện để Chư Tăng an tâm tu học. Sau lần trùng tu này, Đại đức Thích Chánh Định cho thực hiện khánh thành chùa vào ngày 7/1/1997 (Âm lịch), chùa kết giới Simā với đông đảo chư Tăng và phật tử đến tham dự.
Ngôi chùa được đặt tên là Tam Phước Tự để phù hợp với tên địa danh (thuộc xã Tam Phước), vừa có ý nghĩa thích nghi với tam phước trong truyền thống Phật giáo là phước vật, phước đức và phước trí..
Ngày 3/9/2004, Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định chính thức bổ nhiệm thầy Thích Chánh Định làm trụ trì của chùa Tam Phước, đại diện giáo hội hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tới đây tu học.
Ngày 9/1/2005 (âm lịch), nhờ công đức ủng hộ của Chư, Tăng, Ni và Phật tử gần xa, thầy Thích Chánh Định một lần nữa thực hiện công cuộc đại trùng tu và tái thiết mới hoàn toàn ngôi đại hùng bửu điện chùa Tam Phước. Chùa được thiết kế với cấu trúc hai mái cổ lầu theo kiến trúc chùa ở Huế nhưng có sự cách điệu phần nóc và mái chùa cao và nhọn giống các ngôi chùa tháp truyền thống nguyên thủy tại Miến Điện, Thái Lan.
Công cuộc trùng tu này đã mở rộng khu chánh điện ra với diện tích 240m, tổng kinh phí trùng tu vào khoảng 500.000.000 đồng. Công trình trùng tu hoàn thành sau khoảng 1 năm và trùng vào ngày kết giới Simā nên thầy Chánh Định cũng đã tiến hành khánh thành chánh điện chùa Tam Phước. Sự kiện này đã thu hút hàng trăm Chư Tăng và Phật tử tham dự.
Một số bài giảng nổi tiếng của thầy Thích Chánh Định
Thượng tọa Thích Chánh Định hiện là giảng viên của Học viện Phật giáo Việt Nam. Thầy đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và thuyết pháp ở nhiều nơi. Các chủ đề thuyết pháp của thầy đa dạng, nhiều chủ đề gần gũi với cuộc sống.
Mới đây, vào ngày 17/7/2022, thầy Thích Chánh Định đã có một buổi thuyết pháp tại Chùa Quan Âm (Phan Rang, Bình Thuận). Buổi thuyết pháp diễn ra đúng ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm, do vậy thầy đã lựa chọn một bài thơ đạo “Về chùa” để mở đầu chủ đề thuyết pháp. Cách dẫn giải của thầy rất gần gũi với đại chúng, mọi vấn đề đều được so sánh, lấy ví dụ từ chính những câu chuyện trong đời sống hoặc những truyền thuyết về đao Phật từ nguyên thủy cho tới hiện đại. Cách thuyết pháp như kể chuyện này giúp cho Phật tử ở mọi lứa tuổi đều hào hứng, dễ hiểu với chủ đề “mục đích về chùa là để làm gì?” mà thầy đang nói tới.
Hay như buổi giảng pháp nhân chuyến hoằng pháp ở khu vực miền Trung vào ngày 13/6/2022 tại chùa Giác Nguyên (Quảng Nam), thầy Thích Chánh Định chọn chủ đề “Chọn Pháp để tu”. Đây là một chủ đề mang tính học thuật cao nhưng qua cách giảng giải vui tươi, gần gũi của mình mà thầy đã giúp cho đại chúng xây dựng cái nhìn chính kiến về Phật Pháp, biết cách thực hành tu tập đúng để nhận được sự an vui và một tương lai an lạc, thông tuệ.
Còn rất nhiều bài giảng pháp rất hay của thầy Thích Chánh Định mà độc giả có thể tìm xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet như:
– Bài pháp: Thấu nhân duyên ngộ vô thường – chùa Bửu Quang (Quận 7, TPHCM)
– Bài pháp: Đời dạy ta muôn ngàn cách nắm giữ, Đạo dạy người chỉ 1 chữ buông.
– Bài pháp: “Nắm được thì buông được” – chùa Bửu Quang (Quận 7, TPHCM)
1. Tập sống đơn giản
2. Bài Giảng Thấu hiểu nhân duyên
3. Bài giàng về Vô thường
4. Những lẽ sống ở đời
5. Thiện ác buồn vui
6. Đạo dạy đời chỉ một chữ BUÔNG
7. Học tu
8. Nghĩa vợ tình chồng
9. Khác nhau ở một cái nhìn
10. Làm lành lánh dữ
Trên đây là những thông tin tổng hợp về tiểu sử thầy Thích Chánh Định. Hy vọng những nội dung này hữu ích với quý độc giả!
Tài liệu tham khảo:
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/nhan-vat-phat-giao-viet-nam-van-di/2099.html
http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=sulieu&function=detail&id=67
https://www.youtube.com/watch?v=qfDzP8iqEzs&ab_channel=Th%E1%BA%BFGi%E1%BB%9BiPh%E1%BA%ADtGi%C3%A1o