Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh là một trong những vị cao tăng lỗi lạc, có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền Phật giáo nói chung. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc đời và đạo nghiệp của một vị hòa thượng tài đức vẹn toàn.
Tiểu sử Hòa thượng Thích Trí Tịnh là gì?
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh có thế danh là Nguyễn Văn Bình, tên thường gọi là Nhựt Bình. Ngài sinh vào ngày 2 tháng 9 năm Đinh Tỵ (tức là ngày 17 tháng 10 năm 1917) tại làng Mỹ An Hưng (tục gọi là Cái Tàu Thượng) thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Hòa thượng Thích Trí Tịnh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo đông con cái, thế nhưng lại tin theo tuyệt đối vào đạo Phật. Thân phụ của người là cụ ông Nguyễn Văn Cân, còn thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Truyện. Hòa thượng là người con út trong gia đình có 6 anh chị em gồm 3 trai và 3 gái.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh ngay từ khi còn nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, khi lên 3 tuổi thì mất cha, đến 7 tuổi thì mất mẹ. Cho nên ngài sống cùng với người anh thứ ba là ông Nguyễn Văn Đặng, đến nay đã qua đời, còn người anh thứ tư thì mất sớm do bạo bệnh, trong khi các chị gái thì đều đã lấy chồng và có gia đình riêng.
Vào năm 1927, khi Hòa thượng Thích Trí Tịnh tròn 10 tuổi, ngài mới bắt đầu bước vào lớp năm (tương đương lớp 1 ngày nay), đến năm 15 tuổi thì ngài mới học xong lớp đệ thất (tương đương lớp 6 ngày nay). Sau đó ngài chuyển sang học chữ Hán với người chú và học nghề thuốc Bắc cùng với người anh họ.
Quá trình tu hành và đạo nghiệp của Hòa thượng Thích Trí Tịnh
1. Giai đoạn trước năm 1975
Thấy gia cảnh lục đục của gia đình các anh chị trong nhà, cho nên Hòa thượng Thích Trí Tịnh buồn chán và có ý xuất ly thế tục. Thế là thầy bắt đầu tìm hiểu các tôn giáo như đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, Thông Thiên Học,… tuy nhiên thầy lại có sự quan tâm đặc biệt thú vị đến đạo Phật.
Vào năm 1935 khi tròn 18 tuổi, Hòa thượng Thích Trí Tịnh bắt đầu tập luyện ăn chay trường và tu hành theo đạo Phật. Đến năm 1937, khi thầy đã sang tuổi 21, thầy cùng với một người bạn tìm lên Sài Gòn để lập nghiệp, ở chung nhà trọ với nhau. Trước đó, tuy thầy đã có ý định xuất thế, nhưng vì thầy vẫn còn người chị thứ sáu chưa lập gia đình nên thầy lại không nỡ bỏ đi. Nay người chị ấy đã yên bề gia thất, cho nên thầy mới có thể yên tâm thực hiện ước nguyện mong mỏi của mình.
Về sau, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đi lên núi Cấm (xã Tịnh Biên, An Giang), đến chùa Lá (sau trùng tu và đổi tên là chùa Vạn Linh), cúi xin Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Quang cho bản thân được xuất gia, quy y chốn cửa Phật và đã được trụ trì chấp thuận. Trong suốt quãng thời gian tu hành khổ hạnh, thầy đã đọc được tạp chí Từ Bi Âm, nên có ý nguyện muốn tìm tòi và học thêm về kinh luật. Do đó, cuối năm 1939, thầy đã xin phép sư thầy trụ trì được xuống núi để trau dồi thêm kiến thức Phật pháp của bản thân.
Khi đặt chân đến Sài Gòn, thầy Thích Trí Tịnh cùng nhà sư Thiện Phước ra núi Thị Vải (nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), tìm chỗ thích hợp để cất am tu hành (địa điểm đó gần chùa Linh Sơn Bửu Thiền). Nhưng vì trong sơn động có nhiều chướng khí, nên tu hành được mấy hôm, cả hai nhà sư đều bị bệnh sốt rét. Chịu không nổi, thế là cả hai người đành cùng nhau xuống chân núi. Trong đó nhà sư Thiện Phước thì tá túc nơi thiền am của bà Năm, còn thầy Thích Trí Tịnh thì tá túc nơi hang đá của bà Bảy. Vài hôm sau, nhà sư Thiện Phước bỗng dưng bệnh nặng và viên tịch đột ngột, sợ hãi bản thân cũng sẽ bị như vậy nên thầy đành ngay lập tức về Sài Gòn tá túc trong chùa Tịnh Độ ở Gò Vấp để tìm thầy trị bệnh.
Sau khi đã được chữa hết bệnh, nghe theo lời khuyên, Hòa thượng Thích Trí Tịnh khởi ý đi Huế để tu học đúng đắn hơn. Trên đường đi, thầy có vào tu học tại chùa Liên Tôn ở Bình Định khoảng 3 tháng. Đến khi thầy ra đến Huế, thầy đã được nhận vào học lớp Sơ cấp Phật học (và được cấp học bổng) tại chùa Tây Thiên.
Đầu năm 1941, Hòa thượng Thích Trí Tịnh thọ giới Sa di tại chùa Quốc Ân ở Huế. Sau đó, thầy tiếp tục học lên Trung đẳng Phật học (tốt nghiệp vào cuối năm 1942) và Cao đẳng Phật học (tốt nghiệp năm 1945).
Trong năm 1945, trường An Nam Phật học di dời vào Tòng Lâm Kim Sơn ở Huế, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được đề cử làm Giám viện Quản đốc trường. Theo đó, vì nạn đói ở Huế và ở cả miền Bắc trở nên đặc biệt nghiêm trọng, nhà trường quyết định chuyển Tăng sinh vào Nam và giao cho thầy chịu trách nhiệm quản lý. Vào Nam, đoàn Tăng sinh tạm ở trong chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), còn thầy thì tạm ở trong chùa Kim Huê (Sa Đéc).
Ngày 19 tháng 6 năm 1945, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được thọ Tỳ kheo và Bồ Tát giới tại Đại Giới đàn tổ chức tại chùa Long An ở Sa Đéc.
Đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, nhà trường Lưỡng Xuyên Phật học bị phân tán, thầy và nhà sư Thích Thiện Hoa bèn về chùa Phật Quang ở quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) lập trường Phật học Phật Quang, thực hiện cuộc khai giảng đầu tiên của ngôi chùa vào cuối năm. Khi ấy, nhà sư Thích Thiện Hoa làm Giám đốc, còn thầy Thích Trí Tịnh làm Đốc giáo kiêm Giáo thọ.
Cuối năm 1946, an ninh ở địa phương không được ổn định, nhiều vụ trộm cướp xảy ra, cho nên nhà trường đành phải dời về tạm trú trong chùa Vạn Phước ở Phú Lâm (Chợ Lớn).
Đến năm 1948, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cùng nhà sư Thích Huyền Dung thành lập trường Liên Hải Phật học tại chùa Vạn Phước. Khi ấy, thầy làm giám đốc, nhà sư Thích Huyền Dung làm đốc giáo. Và thầy Thích Trí Tịnh đã trở thành một trong những vị giáo thọ sư của rất nhiều vị hòa thượng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền sư Thích Từ Thông,…
Năm 1950, Hòa thượng Thích Trí Tịnh mắc bệnh nặng, phải đi dưỡng bệnh và tu hành ở chùa Linh Sơn (Vũng Tàu).
Năm 1951, thầy cùng nhà sư Thích Thiện Hòa sáp nhập 3 Phật học đường là Liên Hải, Mai Sơn, Sùng Đức thành Phật học đường Nam Việt, đặt trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang (nay ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).
Từ năm 1951 đến năm 1956, Hòa thượng Thích Trí Tịnh tham gia vào Ban Giảng huấn và giảng dạy cho lớp Cao đẳng Phật học. Cũng trong năm này, thầy nhận lời làm trụ trì chùa Linh Sơn.
Năm 1952, Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập ở Sài Gòn, nhà sư Thích Trí Tịnh được mời giữ chức Trưởng ban Giáo dục và Trưởng ban Giám Luật. Kế đó, Giáo hội Tăng Già toàn quốc được thành lập, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử vào các chức vụ: Trưởng ban Giáo dục, Phó Trị sự, Ủy viên phiên dịch Tam Tạng. Vì nhận nhiều trọng trách, thế nên vào tháng 4 năm 1954, thầy đã quyết định trao quyền trụ trì chùa Linh Sơn lại cho nhà sư Tịnh Viên.
Ngày 16 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng Thích Trí Tịnh cho lập ra ngôi chùa Vạn Đức ở Thủ Đức (nay tọa lạc tại số 234 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, quận Thủ Đức). Tiền thân ngôi chùa là nhà ở của một tín đồ hiến tặng, được sửa chữa lại để làm chùa. Kể từ đó, thầy thường trụ ở đây cho đến ngày viên tịch vào năm 2014.
Năm 1955, Hòa thượng Thích Trí Tịnh thành lập Hội Cực Lạc Liên Hữu tại chùa Vạn Đức, và khuyên Tăng chúng thực hành tu theo pháp môn Tịnh Độ. Vào thời điểm đó, nhà sư Trí Tịnh làm Liên trưởng, và nhà sư Thích Huệ Hưng làm Liên phó. Cũng trong năm đó, thầy còn đảm nhiệm cương vị Giáo thọ A Xà Lê Đại giới đàn Từ Hiếu (Huế).
Năm 1957, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt cử làm Trị sự phó và kiêm Trưởng ban Giáo dục Giáo hội Tăng già Nam Việt. Đồng thời, hợp tác với nhà sư Thích Thiện Hoa, nhà sư Thích Thiện Hòa mở các khóa Như Lai Sứ Giả tại chùa Pháp Hội, chùa Tuyền Lâm, chùa Dược Sư… để đào tạo cán bộ Trụ trì và Giảng sư cho Giáo hội.
Năm 1959, trong Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam kỳ II diễn ra vào ngày 10, 11 tháng 9 năm 1959 tại chùa Ấn Quang, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Trị sự Phó Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam. Cũng trong năm đó, thầy còn làm Tuyên Luật sư Đại giới đàn Hải Đức (Nha Trang).
Năm 1960 đến 1962, Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Giới Luật sư trong các Đại Giới đàn tổ chức tại các chùa Ấn Quang, Pháp Hội,… để truyền trao giới pháp cụ túc cho chư Tăng.
Cuối năm 1962, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được cử làm Phó Viện trưởng Phật học Viện Trung phần.
Năm 1964, Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nam Việt tham dự Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, được tổ chức tại chùa Xá Lợi trong các ngày 30, 31 tháng 12 năm 1963 và 1 tháng 1 năm 1964 để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tại Đại hội này, thầy được cử làm Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự. Cũng trong năm đó, thầy còn đảm nhiệm cương vị làm Tuyên Luật sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức, tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự (Sài Gòn).
Năm 1965, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Yết ma trong Tiểu Giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm (nay ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) và Tuyên Luật sư Đại Giới đàn ở chùa Từ Hiếu (Huế).
Năm 1966, Hòa thượng Thích Trí Tịnh trở thành Tuyên Luật sư Đại Giới đàn Quảng Đức tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Cũng trong năm đó, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, thầy đã được suy cử vào cương vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống.
Năm 1968, Hòa thượng Thích Trí Tịnh tham gia vào Ban Giảng huấn Phật học viện Huệ Nghiêm và giảng dạy Phật pháp cho lớp Chuyên khoa Phật học trong ba năm.
Năm 1969, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Tuyên Luật Sư trong Đại Giới đàn Quảng Đức tổ chức tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
Năm 1970, thầy còn đảm nhiệm cương vị Khoa trưởng Phân khoa Phật học tại Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn (cho đến năm 1975).
Năm 1971, sau khi Giáo hội thành lập Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Viện trưởng (cho đến năm 1991).
Năm 1973, trong phiên họp của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã được cử làm Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương. Vào ngày 5 tháng 7 năm đó, thầy được cử làm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam tạng thuộc Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Cũng trong năm đó, tại Đại hội Giáo hội Trung ương kỳ 4, thầy được tấn phong hòa thượng và được suy cử đảm nhiệm cương vị Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
Cuối năm 1974, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được Hòa thượng Thích Thiện Hòa cử làm Cố vấn Hội đồng Quản trị Tổ đình Ấn Quang và các cơ sở trực thuộc.
Năm 1975, thầy đã được Hội đồng Giáo phẩm Trung ương cử làm Trưởng ban Kiến thiết Pháp Bảo Viện tại xã Linh Xuân Thôn ở Thủ Đức.
2. Giai đoạn sau năm 1975
Năm 1976, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được mời làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 4 – 7 tháng 11 năm 1981, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được Đại hội cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, và đề cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa được thành lập.
Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử kiêm làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (cho đến năm 1987).
Từ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (1983) cho đến Đại hội VII (2009), thầy được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch, rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương của Mặt trận.
Năm 1984, sau khi Hòa thượng Thích Trí Thủ (Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN) viên tịch vào tháng 4 năm 1984, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho ngày viên tịch (tháng 3 năm 2014).
Năm 1984 cho đến năm 2013, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được mời làm Đàn Đầu Hòa thượng Đại Giới đàn đầu tiên, và những Giới đàn tiếp theo của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Ấn Quang.
Năm 1984, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tháng 12 cùng năm, tại Đại hội Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4, thầy đã được Đại hội cử làm Phó Chủ tịch của tổ chức này.
Năm 1992, tại Đại hội Kỳ III của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Tịnh được suy tôn lên ngôi vị Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Năm 1994, thầy đã được Đại hội lần thứ 8 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tín nhiệm bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Năm 2004, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương tổ chức.
Năm 2005, thầy đảm nhiệm cương vị Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn Thiện Hòa 4 do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Năm 2014, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã viên tịch vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 28 tháng 3 (tức ngày 28 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại chùa Vạn Đức ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), thầy đã trụ thế 98 năm, hạ lạp 69 năm.
Một số tác phẩm được Hòa thượng Thích Trí Tịnh biên soạn
Mặc dù vẫn còn rất bận rộn cho nhiều công việc khác của Giáo hội, thế nhưng Hòa thượng Thích Trí Tịnh vẫn miệt mài dành thời gian rỗi của bản thân để dịch kinh và giảng kinh. Những tác phẩm sách mà thầy đã biên soạn, phiên dịch biên dịch có thể kể đến gồm có như sau:
– Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: trọn bộ 7 quyển
– Kinh Hoa Nghiêm: 80 quyển
– Kinh A Di Đà
– Kinh Đại Bát Niết Bàn: 40 quyển
– Kinh Đại Bát Nhã: 27 quyển
– Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: 1 quyển
– Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập: 120 quyển
– Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện: 1 quyển
– Kinh Địa Tạng bản nguyện: 3 quyển
– Kinh Tam Bảo: 01 quyển
– Tỳ kheo giới : 01 quyển
– Bồ Tát giới bản: 01 quyển
– Kinh Pháp Hoa cương yếu: Tóm tắt
– Kinh Pháp Hoa thông nghĩa: Tóm tắt
– Cực Lạc liên hữu tập: 01 quyển
– Đường về Cực Lạc: Trọn bộ
– Ngộ tính luận: 01 quyển, v.v…
Một số công trình Phật giáo tiêu biểu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh khởi công
Ngày 16/3/1954, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cho lập chùa Vạn Đức ở Thủ Đức. Nay ngôi chùa này tọa lạc tại số 502 đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1995, Hòa thượng đã cho khởi công xây dựng lại chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Năm 2000, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã ký quyết định thông qua dự án và bổ nhiệm Ban Trùng tu cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội tại Thiền viện Quảng Đức ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2001, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cho trùng tu một số hạng mục tại chùa Vạn Đức, như: Giảng đường, Phật đài Quan Âm, Thư viện, Thiền thất, v.v…
Năm 2002, Hòa thượng còn là Chủ đầu tư xây dựng lại cơ sở Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (Thiền viện Quảng Đức).
Năm 2004, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cho khởi công xây dựng lại Chánh điện, Nhà Tổ chùa Vạn Đức với quy mô lớn, được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Các danh hiệu, tặng thưởng của nhà nước dành cho Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Trong quá trình tu hành vất vả và hoạt động suốt nhiều năm cuộc đời của mình, Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã từng giữ các chức vụ uy tín như:
– Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
– Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN)
– Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN
– Trưởng ban Tăng sự TW GHPGVN
– Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
– Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TPHCM
– Viện chủ chùa Vạn Đức
– Viện chủ chùa Vạn Linh,…
Với những đóng góp, công đức và chức vụ cao cả mà Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã giúp sức cho sự phát triển của nền Phật giáo nước nhà nói chung, người đã được nhà nước tặng thưởng rất nhiều danh hiệu gồm có:
– Huân chương Hồ Chí Minh.
– Huân chương Độc Lập hạng Nhất.
– Huân chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân.
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
– Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác,…