Bát Nhã Tâm Kinh: Nguồn Gốc, Giá Trị Cốt Lõi, Nội Dung (Bản chuẩn nhất)

Bát Nhã Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong số những bộ kinh cơ bản và quan trọng bậc nhất mà chắc hẳn Phật tử nào cũng biết tới. Bài kinh này tuy có có độ dài khá ngắn trong Phật giáo Đại Thừa nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu rộng, vô cùng cơ bản mục đích để khám phá các thói quen chấp thật của chúng sanh. Vậy bát nhã tâm kinh có ý nghĩa như thế nào? bài kinh bát nhã tâm kinh tiếng việt dễ đọc nhất.

Nguồn gốc của bát nhã tâm kinh

Bát nhã tâm kinh xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 do ngài Trần Huyền Trang là một cao tăng đời nhà Đường, Trung Hoa, đã vượt biên giới sang Ấn Độ thỉnh kinh. Sau 12 năm chu du khắp ấn độ thì ngài trở về Trung Quốc viết quyển “Tây Du Ký” và ghi lại những sự việc sảy ra xuất trong thời gian ở Ấn Độ. Trong đó có sự kiện trên đường đi ngài đã trải qua nhiều gian nan khổ cực, có những lúc ngài tưởng như đã mất mạng khi bị lạc vào sa mạc bão cát, may nhờ gặp một người áo trắng dạy bài Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Ấn Độ. Ngài đã tụng đọc và thoát chết, sau cùng đến được Ấn Độ bình an. Qua sự kiện này, người ta đoán vị áo trắng đó là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

y-nghia-cua-bat-nha-tam-kinh

Bài Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh thuộc hệ Phát Triển, viết bằng tiếng Sanskrit là bài kinh quan trọng. Nên người ta gọi là trái tim (Tâm kinh), được dịch sang Hoa văn rồi lan truyền khắp các nước Đông Nam Á, tính đến nay đã trải qua gần 19 thế kỷ.

Bộ kinh bát nhã rất đồ sộ có hơn 600 quyển gồm nhiều bài thi kệ nhưng không đề tên tác giả, mà người ta chỉ biết đó là hệ thống kinh Bát nhã Ba-La-Mật phát xuất từ miền Nam Ấn trước Công Nguyên. Trong lịch sử Phật giáo có một sự kiện có thể cho chúng ta một chút suy đoán về nguồn gốc của hệ thống kinh Bát Nhã Ba-La-Mật.

Khoảng 236 năm, sau khi Đức Phật nhập diệt, nước Ấn Độ dưới sự cai trị của vua A-Dục, là vị vua rất sùng mộ đạo Phật, đã hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo khác.

Vào thời đó có một vị cao tăng là ngài Đại Thiên trụ trì tại một ngôi chùa lớn ở kinh đô rất giỏi Phật pháp. Một lần trong buổi thuyết pháp có đông đảo người tham dự, ngài Đại Thiên đã tuyên bố: “Những ai thuyết pháp giỏi đúng với chân ý Đức Phật thì người đó có quyền viết kinh!”.  Lời công bố này được một số người trẻ tán thành, nhưng cũng có nhiều người phản đối. Rốt cuộc vấn đề này không được giải quyết ổn thoả, ngay cả vua A-Dục và Hoàng Hậu là những người quyền lực nhất nước, dù hết sức ủng hộ ngài Đại Thiên cũng bó tay, không thể giải quyết được vấn đề trọng đại này. Sau đó, ngài Đại Thiên cùng đệ tử xuống miền Nam Ấn giáo hoá. Đó là lý do tại sao hệ thống kinh Bát Nhã Ba-La-Mật xuất phát từ miền Nam Ấn. Hệ thống kinh này trải qua nhiều thời đại, kéo dài mấy trăm năm, các vị Tổ đã lần lượt sáng tác các bộ kinh được xếp vào hệ thống kinh Bát Nhã nhưng không có bộ kinh nào đề tên tác giả.

Nhìn chung hệ thống kinh Bát Nhã đề cao tư tưởng KHÔNG và CHÂN NHƯ. Các vị  Tổ lấy TÁNH KHÔNG và CHÂN NHƯ làm nền tảng để tu tập, tiến đến thể nhập KHÔNG và thể nhập CHÂN NHƯ. Ngoài ra trong hệ thống kinh Bát Nhã cũng đề cao một chủ đề nữa là Huyễn. Tựu trung ba chủ đề CHÂN NHƯ, KHÔNG và HUYỄN xem như là 3 gốc độ của Trí Tuệ Bát Nhã nhìn về hiện tượng thế gian trong đó có con người.

Thầy Thiền Chủ đã xem 3 quan điểm Chân Như, Không và Huyễn như là thế chân vạc vững chắc để làm nền tảng cho Trí Tuệ Bát Nhã. Như vậy muốn khai mở Trí Tuệ tâm linh siêu vượt của mọi người, chúng ta cần thông suốt 3 chân lý đó. Thể nhập và sống phù hợp với 3 quan điểm Chân Như, Không và Huyễn thì chúng ta sẽ hết khổ.

Trong hệ thống kinh Bát Nhã, tác phẩm cuối cùng được dịch ra là “Bát Nhã Tâm Kinh” hay là “Bát Nhã Ba-La-Mật Đa Tâm Kinh”. Đó là dịch theo âm Hán Việt. Bài này gồm 262 chữ, là bài kinh ngắn nhất trong hệ thống kinh Bát Nhã Ba-La-Mật.

Cốt lõi của bát nhã tâm kinh

Chúng ta đã biết nhân vật Quán Tự Tại Bồ Tát là nhân vật huyền thoại. Bài kinh này sáng tác sau thời Đức Phật. Sau khi nghiên cứu tìm hiểu chi tiết từng chữ, từng câu, từng đoạn của bài kinh, chúng ta nắm được cốt lõi bài kinh mà chư Tổ muốn gửi gắm cho hàng hậu học. Còn cấu trúc của bài kinh, các Tổ thuộc hệ Phát Triển mượn danh xưng ngài Xá Lợi Phất để trao truyền. Nếu tính thời gian theo trong Sử ghi lại thì ngài Xá Lợi Phất đã viên tịch trước Đức Phật, mà kinh này thì xuất hiện sau thời Đức Phật. Chúng ta Thầm Nhận Biết tới đây thôi.  Chuyện kế tiếp của chúng ta là rút ra bài học chính của bài kinh này để tu tập mà thôi!

Đọc kinh chúng ta thấy các vị Tổ đã trình bày ngay cái chỗ cuối cùng, ngay nơi đến của người tu tức là trong trạng thái Tâm Không và Tâm Như. Hai trạng thái cùng giống nhau ở chỗ Atakkàvacara, là chỗ không lời.

Khi trình bày về Tánh Không, chúng ta nhận thấy văn kinh rất là ngắn gọn, hàm xúc, minh bạch, không mơ hồ. Các Tổ đã đứng trong chỗ đứng của Đức Phật để trình bày cái nhìn Phật Giáo, nói về con người, đó là nói bản thể của con người trống không. Và từ cái nhìn này, sẽ có cách đưa con người thoát ra khỏi mọi khổ đau ở trên đời.

Mục tiêu giảng dạy bài này của chư Tổ nói lên được mục tiêu giảng dạy của Đức Phật khi ngài nói: “Tất cả nước trong đại dương có một vị mặn, đạo của Ta cũng có một vị thôi, đó là vị thoát khổ”.  Trong cái nhìn này, Phật giáo không mơ hồ, viễn vông, mà giúp con người ngay khi còn sống chứ không hứa hẹn ở tương lai xa vời. Bài Bát Nhã Tâm Kinh này quả thật xứng đáng để chúng ta học hỏi vì đã nói đúng theo chân ý của Đức Phật là:

Đưa con người thoát khỏi khổ đau triền miên,  đó là cái nhìn của Tánh Không. Cái nhìn Không là cái nhìn Trung đạo của Phật giáo không rơi vào cực đoan Thường kiến và Đoạn kiến. Con người có thật nhưng bản thể trống không, nghĩa là Vô ngã phá tan xiềng xích của Chấp Ngã. Các vị Tổ khai triển Trí tuệ rốt ráo tới bờ bên kia là khai triển tới Chân Như. Chân Như cũng nằm trong Trung đạo, nó cũng tương tự như Không, như chỗ đứng của Huyễn. Đó là thế chân vạc, thế đứng vững chắc để phát huy Trí huệ kiện toàn, đó là Bát Nhã Ba-La-Mật.

Khi ở trong trạng thái Tâm Như nhìn ngắm hiện tượng thế gian thấy nó như thế, không diễn tả bằng lời, thì tâm bất động, cảnh bất động khách quan.

Chủ đề Không được trình bày trước với dụng ý đưa kết quả giúp thoát khổ. Sau đó mới trình bày Chân Như. Đây là phương tiện giúp con người phát huy Trí huệ kiện toàn, bằng chứng là Đức Phật đã thành đạo qua Chân Như.

Các chư Phật ba đời cũng qua Chân Như mà phát huy Trí huệ siêu vượt.

Kinh bát nhã tâm kinh

Để có thể hiểu hơn về bát nhã tâm kinh bạn có thể xem qua bản hán tạng, được dịch âm và nghĩa sang tiếng Việt

Kinh bát nhã tâm kinh

A. Kinh văn

Bản Hán Tạng

般 若 波 羅 蜜 多 心 經.
觀 自 在 菩 薩。行 深  般  若 波  羅  蜜 多 時 。照 見 五 蘊 皆 空 。度 一 切 苦 厄。舍 利 子。色 不 異 空。 空 不 異 色。色 即  是空 。 空 即  是 色。受 想 行 識  亦 復 如 是. 舍 利 子。是  諸 法  空 相 。不 生 不 滅。不 垢  不 淨 。不 增 不 減。是 故  空 中 無 色。無 受 想 行 識。無 眼  耳 鼻 舌 身  意。無 色 聲 香 味 觸 法。無 眼 界 。 乃 至 無 意 識  界 。無 無明 。亦 無  無明 盡。乃至 無  老 死。亦 無 老 死 盡。無 苦 集 滅道 。無 智 亦 無 得。以 無 所 得 故。菩 提 薩 埵 。依 般 若 波 羅 蜜 多 故。心 無  罣 礙  。無 罣 礙 故。無 有 恐怖。遠 離 顛 倒 夢 想。究 竟 涅  槃。三 世 諸 佛。依 般 若  波 羅  蜜 多 故。得 阿 耨 多羅 三 藐 三 菩 提。故 知 般 若 波  羅 蜜  多。是 大 神 咒 。是 大 明咒 。是 無  上咒。是  無 等 等 咒 。能 除  一 切  苦。真 實 不 虛  。故 說  般 若 波 羅  蜜 多 咒。即 說 咒曰。揭 諦  揭 諦。 波  羅 揭 諦  。波 羅  僧 揭 諦。菩 提 薩 婆 訶。

Bản dịch Âm 

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Dịch nghĩa Việt

Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo.

Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Kết luận

Con đường tâm linh là một con đường dài thăm thẳm, đi từng bước, đòi hỏi nhiều điều kiện. Chúng ta còn ở “bờ bên này”,  điều kiện đầu tiên là tỉnh ngộ để hướng cuộc đời đi vào ngã tâm linh. Tỉnh ngộ là sức mạnh quyết định mục tiêu mình sẽ đến, nhưng phải có quyết tâm để không chùn bước bỏ cuộc trên đường đi. Cả hai điều kiện này cũng chưa đủ, vì ngay như Đức Phật có ý chí sắt đá và tỉnh ngộ  nhưng vẫn bị hai lần thất bại. Cho nên điều kiện thứ ba cần thiết nhất chính là Pháp tu hay Pháp môn tu. Đã chọn Pháp tu rồi, nó dẫn mình đi đâu thì mình phải biết. Không phải đặt chân lên con đường đã chọn là bảo đảm mình đã đi đúng.

Phải lấy bài học của Đức Phật mà rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Sau khi Đức Phật thành đạo, ngài nhận ra sự thành đạo của ngài là nhờ Pháp. Pháp đó là Chân Như. Ngài đã đảnh lễ và tôn Pháp là vị Thầy của ngài.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật đã dặn dò đệ tử: “Sau khi ta diệt độ, các ông lấy Chánh Pháp làm Thầy”. Đức Phật dạy rất nhiều Pháp, Pháp nào cũng đúng,  chúng ta  làm sao biết Pháp nào mà chọn? Ở đây Thầy Thiền Chủ giảng: Chánh Pháp là Chân Như.

Hệ Phát Triển dùng ba chủ đề lớn để đi tới bờ bên kia là: Không, Chân Như và Huyễn

Ở đây, Thầy Thiền Chủ chọn chủ đề Chân Như để hướng dẫn các thiền sinh. Khi thông suốt Chân Như sẽ hiểu rõ Không và Huyễn. Là thiền sinh, chúng ta phải có tâm tỉnh ngộ, có ý chí sắt đá để không thối chuyển. Làm sao có ý chí sắt đá? Đó là mình phải có Tánh Nguyên tắc của một thiền sinh. Nguyên tắc sẽ giúp cho chúng ta tiến đến mục tiêu đã chọn. Và điều quan trọng nhất là chọn Pháp tu đúng, thích hợp với căn cơ của mình.

Phật và Tổ đã dạy: “Y Pháp bất y Nhân”, không vì tình cảm chủ quan đối với một vị Thầy, mà phải chọn Pháp tu. Trên đường tu, phải học vừa giáo lý vừa thực hành, tức là phải tu Huệ và tu Định. Phải kinh nghiệm cái Biết Không Lời của Tánh Giác để tâm được tĩnh lặng, đồng thời phải thực hành trong 4 oai nghi để đi đến cuối cùng là kinh nghiệm Nhận Thức Biết Không Lời tức đạt được trạng thái Tâm Như.

Để biết mình tu sai hay đúng? Đúng là trên đường tu nếu sức khoẻ yếu hay bệnh tâm thể thì sức khoẻ dần phục hồi. Tâm không còn dính mắc, phiền muộn, mà thanh thản, an vui, bao dung, tha thứ. Về Trí tuệ tâm linh thì nhận ra Tánh Giác kiến giải nhiều điều giúp mình hành xử đúng đắn, thành công, và hài hoà trong cuộc sống hằng ngày. Trí tuệ tâm linh sẽ phát huy từ thấp đến cao tuỳ theo sự dụng công của mình.

Đó là những tiến trình tu tập đòi hỏi thời gian, hãy khép mình vào kỷ luật, kỷ luật của thiền sinh là an trú thường xuyên trong Tánh Giác, lúc nào cũng có cái Biết Không Lời qua nghe, thấy, xúc chạm. Trong kinh gọi là Chánh Niệm. Thực hành miên mật trong 4 oai nghi sẽ đưa đến Chánh Niệm Tỉnh Giác, và khi đó mình sẽ kinh nghiệm trạng thái Tâm Như.

Tất cả mọi kỹ thuật hay chiêu thức giảng dạy của Thiền Tánh Không đều hướng tới sự yên lặng tâm ngôn. Khi làm chủ tâm ngôn (tầm, tứ) là mình làm chủ nghiệp của mình.

Điều quan trọng sau cùng, chúng ta nhận ra trong Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh, các Tổ muốn gởi gắm lại bí quyết “qua bờ bên kia” tức đạt “Trí tuệ kiện toàn” bằng 2 chủ đề Tánh Không và Chân Như. Ngày xưa Đức Phật và Chư Tổ dạy Tu thiền là phải thực hành. Ngày nay Thầy Thiền Chủ cũng thế, Thầy đã hướng dẫn chúng ta từ lớp Căn Bản lên đến 4 lớp Bát Nhã về Lý Thuyết lẫn thực hành chủ đề Chân Như. Thầy đã truyền trao kiến thức Phật học và bí quyết thực hành, đặc biệt là “Kỹ Thuật Không Nói” để đến “bờ bên kia”. Phương tiện đã bày trước mặt. Đến nơi hay không là do chúng ta. Chúng ta thường hay nói: “Chúng con rất mang ơn Phật, Tổ và Thầy đã dày công giảng dạy”. Nhưng Phật, Tổ và Thầy không muốn chúng ta mang ơn, mà chỉ muốn chúng ta đạt tới chỗ các ngài chỉ bảo. Vì thế đền ơn Thầy Tổ không phải chỉ là lời hứa suông mà phải thực hành miên mật để sớm thoát khổ giác ngộ giải thoát.

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ tổng hợp và ghi nhận

Mùa An Cư tại Tổ Đình Tánh Không, CA / 27-10-2015

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Phật Quang
Logo
Shopping cart