Thầy Thích Trí Huệ được nhiều người biết đến với những bài giảng sâu rộng trong chủ đề Phật pháp, giúp người Phật tử tu sao cho đúng cách, đem kinh sách tư tưởng của đức Phật chia sẻ với chúng sinh. Cũng như bao nhiêu nhà sư khác, thầy được khá nhiều phật tử dành một tấm lòng kính trọng, mến phục bởi những tình huống thầy đưa ra được lồng ghép vào trong những bài học một cách hài hước dí dỏm.
Tiểu sử cuộc đời của Đại Đức Thích Trí Huệ
Đại Đức Thích Trí Huệ có tên khai sinh là Trần Minh Á, sinh năm 1971 ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc – tỉnh Cà Mau. Thầy hiện đang là trụ trì tại chùa Pháp Tạng, địa chỉ cụ thể của chùa là C3/8 Lê Đình Chi, Ấp 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Cái duyên với con đường tu hành của thầy Thích Trí Huệ
Sư thầy đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh ngành Kỹ sư xây dựng. Lẽ ra cũng như bao người, thầy sẽ đi làm và có một mái ấm hạnh phúc. Nhưng cái duyên với con đường tu hành đã níu thầy rẽ sang một ngã khác, học và tốt nghiệp tại Học viện Phật giáo Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh). Với tấm lòng từ bi, một trí tuệ hơn người Đại Đức Thích Trí Huệ đã được nhiều Phật tử khắp nơi trên cả nước tìm đến để được nghe lời thầy giảng dạy.
Những đóng góp lớn của thầy Thích Trí Huệ đối với nhân loại loài người
Giảng về Pháp Phật
Sở hữu một trí tuệ tinh thông, một tấm lòng từ bi bác ái, thầy Thích Trí Huệ đã mang đến cho biết bao nhiêu thế hệ Phật tử những tri thức, bài học về đạo làm Người mà Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới gốc cây bồ đề. Không chỉ giảng dạy trong chính ngôi chùa Pháp tạng, thầy Thích Trí Huệ còn từng giảng dạy tại nhiều ngôi chùa khác trong thành phố như chùa Xá Lợi ở quận 3. Ngoài ra, nhiều Phật tử đang sinh sống ở Hoa Kỳ cũng từng mời thầy sang để giảng đạo.
Những lời Phật dạy được thầy Thích Trí Huệ truyền đạt gần gũi, dễ hiểu và được Phật tử gần xa yêu thích bởi vì ngoài nói về những bài học về luân thường đạo lý, cách dẹp bỏ những muộn phiền, cách để tâm mình bình an hơn thì Thầy còn lồng ghép những ví dụ hết sức hóm hỉnh, thiết thực cho người nghe dễ hiểu và cảm được. Ngoài truyền đạt lời Phật dạy, thầy còn dạy về cách ngồi thiền mỗi ngày trước khi ngủ để giấc ngủ sâu hơn và tĩnh tâm hơn.
Y học
Không chỉ ở cương vị là người thuyết giảng Phật pháp, thầy Thích Trí Huệ còn được nhiều Phật tử biết tới với tư cách như là một thầy thuốc giỏi, chuyên chữa bệnh miễn phí cho người nghèo bằng các bài thuốc dân gian. Thầy chỉ cho nhiều người dân cách tận dụng những vật liệu từ thiên nhiên làm sao để có ích đối với sức khỏe. Những dược liệu thầy sử dụng rất thân thuộc trong đời sống, vừa rẻ lại vừa dễ kiếm tìm như hoa cúc vàng, rau ngô, vỏ trái măng cụt, vỏ bưởi, vỏ quýt,… nhiều người không biết bỏ đi nhưng thực ra đó lại là một vị thuốc quý.
Từ thiện
Ngoài mang những kiến thức về y học, về các bài Phật dạy thì thầy Thích Trí Huệ còn tích cực tổ chức kêu gọi các hoạt động từ thiện dành cho người nghèo trong huyện cho đến những người dân ở xa hơn. Đặc biệt hội người mù Huỳnh Kha là nơi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ thầy. Thầy dành số tiền mà phật tử quyên góp để xây dựng nhà tình thương cho những hoàn cảnh khốn khó. Vì thế mà các ngôi nhà cứ thế được trao đi bằng cả tấm lòng chân thành, bằng tình yêu thương giữa con người với con người. Ngoài ra, thầy còn là cầu nối giữa các mạnh thường quân đến với những bà con nghèo, vùng sâu vùng xa bằng sự tin tưởng tuyệt đối.
Mái chùa Pháp Tạng do thầy Thích Trí Huệ đang trụ trì
Bình Chánh – một vùng quê yên bình ở thành phố Hồ Chí Minh
Huyện Bình Chánh là một huyện rất xa trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh. So với mặt bằng chung của thành phố, nơi đây nền kinh tế cũng không được phát triển như những quận huyện khác. Do đó, Bình Chánh được ví như là một vùng quê yên bình của thành phố Hồ Chí Minh với nhà cửa còn thưa thớt và đồng ruộng mênh mông. Nhưng dù xa xôi, dù không phát triển nhưng các phật tử vẫn thường xem đây là địa chỉ gần gũi, quen thuộc mỗi cuối tuần để tìm cho mình những giây phút bình yên sau những ngày mỏi mệt vì cuộc sống mưu sinh.
Chùa Pháp Tạng là một ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Bình Chánh thu hút rất nhiều phật tử gần xa.
Chùa Pháp Tạng được xây dựng năm 1958. Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Bình Chánh thu hút rất nhiều phật tử gần xa. Không quá khó để tìm ra ngôi chùa này tại địa chỉ C3/8 Lê Đình Chi, Ấp 3, Xã Lê Minh Xuân. Họ tìm đến chùa Pháp Tạng không đơn giản là tìm về ngôi chùa của một vùng quê thanh bình mà còn vì nơi đây có một vị thầy đức độ, để được nghe trực tiếp những buổi pháp giảng của thầy để giác ngộ, thức tỉnh và để nhìn lại mình.
Cũng như các ngôi chùa khác, vào các ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, Rằm tháng Giêng,… rất đông đảo Phật tử đến đây để viếng chùa và cầu bình an. Cũng những ngày này, nhà chùa thường xuyên tổ chức các khóa tu để dạy những giáo lý về công dung ngôn hạnh, học cách yêu thương, tha thứ và cả những kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống.
Những bài giảng hay nhất của thầy Thích Trí Huệ
Nghe bài giảng của thầy Thích Trí Huệ ở đâu?
Nếu như chúng ta có điều kiện hãy đến chùa Pháp Tạng ở địa chỉ trên để được trực tiếp nghe thầy giảng. Nhưng với những Phật tử ở xa, không có điều kiện tới thăm chùa Pháp Tạng thì có nhiều cách khác nhau để được nghe, xem những bài giảng của thầy Thích Trí Huệ.
Với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì vấn đề ngồi tại nhà để xem những video của thầy không còn gì là quá khó khăn. Chúng ta có thể lên mạng và gõ vào ô tìm kiếm các từ khóa như “Những bài giảng hay nhất của thầy Thích Trí Huệ”, “thầy Thích Trí Huệ” sẽ ra rất nhiều kết quả tìm kiếm.
Ngoài ra, Thầy Thích Trí Huệ còn có rất nhiều bài giảng được thu âm, thu hình dưới dạng đĩa CD, DVD nên Phật từ xa gần ở mọi lứa tuổi ai cũng có thể có cách thức phù hợp để tiếp nhận những bài giảng của thầy Thích Trí Huệ.
Các Video bài giảng phổ biến
Chúng tôi gợi ý với các bạn một số video phổ biến được nhiều lượt xem trên mạng xã hội Youtube:
Chúng ta học được gì từ thầy Thích Trí Huệ
Dám từ bỏ
Tốt nghiệp trường Bách Khoa nhưng nhận ra trong mình muốn đi một con đường khác đó chính là con đường xuất gia. Và rồi thầy đã làm như vậy. Soi mình vào đó, thế hệ trẻ ngày nay của chúng ta có bao nhiêu người dám từ bỏ, dám đương đầu, dám sống với đam mê của mình? Mỗi chúng ta đều có một cuộc sống riêng, một hoàn cảnh nên đẩy đưa ta theo những cái duyên mà trở thành con người như ta bây giờ. Là quần áo đó, là việc làm đó, là kiến thức đó. Nhưng liệu chúng ta có bao giờ muốn đá mình ra khỏi vị trí an toàn, dám từ bỏ một công việc nhàm chán ngay cả khi chưa tìm được một công việc mới. Liệu chúng ta có dám thẳng thắn nói chuyện với người thân của mình về con đường mình sẽ đi, sẽ dám đương đầu, sẽ chịu mọi trách nhiệm với hành động và cuộc đời mình. Hay chúng ta chọn sự bao bọc của cha mẹ để con đường đi bằng phẳng hơn?
Vậy đấy, thầy chính là tấm gương sáng để mỗi chúng ta nhìn vào đấy, nhận ra những năng lực còn tiềm ẩn trong con người của mình, để rồi mạnh mẽ bứt ra khỏi vùng an toàn, mạnh mẽ lựa chọn một cuộc đời trọn vẹn nhất với bản thân.
Tấm lòng Từ Bi
Cùng một sự việc khiến chúng ta không vui, cùng một con người khiến chúng ta buồn rầu. Nhưng nếu đã từng có duyên được trò chuyện với thầy, được nghe những lời thầy giảng thì không hiểu sao ta lại có những cái nhìn mới mẻ, từ bi, bao dung hơn về con người, sự việc đó. Từ ấy mà tâm ta bình an hơn, chẳng còn muộn phiền, chẳng còn toan tính.
Thầy dạy cho ta cách yêu thương, cách đón nhận và trao đi như thế nào là đúng. Không phải cứ nói con yêu cha mẹ là yêu thương mà đôi khi nó còn thể hiện trong những điều nhỏ nhặt như lời hỏi thăm, quan tâm đến sở thích ăn uống, gu nghe nhạc của cha mẹ.
Thầy dạy cho ta cách làm chủ bản thân để không bị những cám giỗ của cuộc đời lấn lướt, không chùn bước để bản thân có cơ hội được sửa chữa lần 1, lần 2, thoát khỏi con người ma ta không hề muốn trở thành.
Khái niệm về “Từ thiện”
Không phải cứ cho thật nhiều tiền là đã làm từ thiện mà cách trao đi mới là điều cốt lõi. Cho đi và không cần nhận lại, cho đi là không cần nhớ ta đã cho những gì mà chỉ cần biết trên gương mặt của những bà con nghèo ánh lên những nụ cười, những tia hy vọng về bữa cơm đủ đầy hơn. Thầy dạy chúng ta hiểu từ thiện không cần phải cho đi thật nhiều vật chất, từ thiện nghĩa là trao đi tình yêu thương, chia sẻ những gì mình có dù ít hay nhiều thì người nhận cũng sẽ hiểu tấm lòng của người cho và điều đó còn quý hơn gấp trăm ngàn lần.
Bất cứ điều gì dù nhỏ nhất cũng có ý nghĩa cho cuộc đời
Thầy chỉ ra rằng ta sẽ làm gì khi ăn xong một trái cam, một trái bưởi? Có người sẽ ném nó đi nhưng cũng có người giữ chúng lại phơi khô và làm ra những vị thuốc trị bệnh rất hiệu quả. Đó cũng là một cách mà ta trân trọng thiên nhiên. Từ chuyện vỏ cam vỏ bưởi tưởng như “nhỏ xíu xiu” trong cuộc sống nhưng lại mang trong mình nhiều hơn một điều thú vị không thể ngờ tới.
Trong cuộc sống, đừng nghĩ trao đi là sẽ mất. Người ta nói “cho đi là có tất cả” chẳng hề sai. Chúng ta trao đi một niềm vui nhưng không hẳn chỉ nhận được một niềm vui. Đó là một niềm vui cho người nhận, một niềm vui cho mình, một niềm vui cho cuộc đời. Và, ta cho đi, chúng ta sẽ nhận được một niềm vui khác, ở một thời điểm khác, một người khác. Đó chính là cách gieo nhân gặt quả mà thầy dạy cho chúng ta.
Nếu ai đã từng một lần được gặp thầy, được nghe những bài giảng của thầy về Phật pháp, về những đối nhân xử thế thì chẳng thể nào quên được dáng người gầy gầy, ánh mắt hiền hậu, nụ cười ấm áp và đặc biệt nhất là giọng nói từ tốn, trầm trầm mà thấm sâu vào lòng người đến vô cùng. Cám ơn thầy đã mang đến cho chúng con những bài giảng về luân thường đạo lý ở đời. Và, hơn hết những bài học đó là sự chân thành, là cái tâm muốn đem đến sự an yên, dẹp bỏ khổ đau đến cho nhân loại. “Tu chính là sửa” – lời dạy của thầy Thích Trí Huệ chính là hành trang cho chúng ta vững bước đi trên đường đời này.
Top 15 Nhà Sư Việt Nam Nổi Tiếng Được Tìm Kiếm Nhiều Nhất Hiện nay
>>Xem thêm các video:
- 5 Bằng Chứng Cho Thấy Đức Phật Đã Đi Trước Khoa Học Hàng Ngàn Năm
- Top 10 Vị Đại Sư Nổi Tiếng Nhất Lịch Sử Thế Giới
- Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của 5 NGÔI CHÙA LỚN NHẤT VIỆT NAM
- Lịch Sử Hơn 2000 Năm Của Phật Giáo Việt Nam
- TOP 10 Vị ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG, THẦY CỦA CÁC THẦY Có Tầm Ảnh Hưởng Lớn Nhất Tới Nền Phật Giáo Việt Nam
- Thời Thơ Ấu Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni | Review Phim Cuộc Đời Đức Phật
- “Thực tại” mà chúng ta đang thấy thực ra chỉ là những ảo giác ?
- Thủ Đô Của Việt Nam 108 Năm Trước Trông Như Thế Nào ?